Thân thế và cuộc sống ban đầu Tống Chân Tông

Tống Chân Tông tên thật là Triệu Đức Xương (趙德昌), Triệu Nguyên Hưu (趙元休), Triệu Nguyên Khản (趙元侃) và Triệu Hằng (趙恆), chào đời vào ngày 23 tháng 12 năm 968,[5][6] dưới thời Tống Thái Tổ, tại phủ đệ Tấn vương (tước vị mà Tống Thái Tông đang mang khi đó). Trước đó, mẹ ông là Lý phu nhân nằm mộng mặt trời, sau đó mang thai. Khi Đức Xương chào đời, có ánh sáng màu đỏ chiếu khắp gian phòng; gia nhân xem thấy bên chân trái của ông có mấy đường nét tựa như chữ thiên.[6]

Đức Xương từ nhỏ đã thông minh hơn người. Mỗi lần chơi trò đánh trận giả đều tự xưng là Nguyên soái. Thái Tổ yêu mến, thường triệu vào cung. Có lần ở điện Vạn Tuế, Đức Xương tự dưng ngồi tót lên bảo tọa, Thái Tổ ngạc nhiên nói:

Đó là chỗ của thiên tử.

Đức Xương đáp:

Như vậy là do thiên mệnh (muốn ta làm vua).[6]

Năm 976, ngày 14 tháng 11, Thái Tổ hoàng đế qua đời, Tấn vương theo di chiếu của Chiêu Hiến thái hậu Đỗ thị khi trước, tự lập lên ngôi, là Tống Thái Tông (976 - 997)[7]. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 (984), Triệu Đức Xương được gia phong Kiểm giáo thái bảo, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, tước Hàn vương; đổi tên là Nguyên Hưu. Năm Đoan Củng nguyên niên (988), được cải phong là Tương vương, đổi tên thành Nguyên Khản. Tháng 9 ÂL năm thứ năm Thuần Hóa (994), được đổi phong làm Thọ vương, Kiểm giáo thái phó, Khai Phong doãn.[6]

Theo di chiếu của Chiêu Hiến Đỗ thái hậu, Thái Tổ nhường ngôi lại cho em là Thái Tông, Thái Tông lại phải nhường ngôi cho em nữa là Đình Mỹ rồi sau đó đến lượt con của Thái Tổ. Thái Tông sau khi lên ngôi, có ý nhường ngôi lại cho con mình, nên đã tìm cách giáng chức của Đình Mỹ khiến ông này uất ức mà chết; lại ép con trưởng của Thái Tổ là Đức Chiêu phải tự sát, con thứ là Đức Phương đột nhiên qua đời[8]. Thái Tông có ý lập con trưởng là Nguyên Tá làm thái tử, nhưng Nguyên Tá vốn thân với Đình Mĩ, thấy việc làm của Thái Tông, có ý bất mãn, lâu ngày sinh bệnh, thần trí không tỉnh táo, đến nỗi một hôm phóng hỏa đốt phủ đệ, do vậy Nguyên Tá mất lòng Thái Tông và bị phế làm thứ nhân. Thái Tông lại định lập người con thứ 5 là Nguyên Kiệt, nhưng vì Nguyên Kiệt bất kính với thầy là Diêu Đản, nên cũng không được lập. Bấy giờ hoàng tử thứ hai là Nguyên Hi mất sớm, nên Nguyên Khản trở thành sự lựa chọn hàng đầu.

Tháng 8 ÂL năm nguyên niên Chí Đạo (995), nhân Khấu Chuẩn dâng sớ đề nghị lập người kế vị, Thái Tông quyết định lập Nguyên Khản làm thái tử, đổi tên là Hằng[6]. Thái Tông tổ chức nghi lễ lập thái tử rất long trọng, đây là nghi lễ lập tự đầu tiên sau gần 100 năm kể từ cuối Đường, vì trong nước trước kia chiến loạn liên miên. Lại lệnh Lý Hàng, Lý Chi làm tân khách của thái tử. Thái tử lấy lễ thầy trò đối với họ, khi gặp thì bái chào.

Tháng 3 năm 997, Thái Tông lâm bệnh và qua đời. Tuyên chánh sứ Vương Kế Ân và hoàng hậu Lý thị và bọn Lý Xương Linh, Hồ Đán âm mưu với nhau, định phế bỏ thái tử, lập Nguyên Tá cho dễ khống chế. Hoàng hậu cho triệu tể tướng Lã Đoan vào cung. Lã Đoan dùng kế giam lỏng Vương Kế Ân trong phủ, rồi vào gặp hoàng hậu. Hoàng hậu đòi lập con trưởng, nhưng Lã Đoan không chịu vì đã có thái tử. Rồi sai nội thị đón thái tử vào cung, tức vị hoàng đế, là Tống Chân Tông.[6][9]

Thời kỳ trị vì của Tống Chân Tông đáng chú ý vì sự thống nhất quyền lực và sự tăng cường sức mạnh quân sự. Đất nước phồn thịnh và quân đội của Tống được tăng cường sức mạnh. Tuy nhiên, nó cũng đánh dấu sự sai lệch trong chính sách ngoại giao về phía đế quốc Khiết Đan (tức nhà Liêu) ở phía bắc mà cuối cùng dẫn tới kết quả bị bẽ mặt.[cần dẫn nguồn]